Giới thiệu Siêu thị

Địa chỉ Tin cậy: 202 Điện Biên Phủ, TP Hải Dương, Hải Dương, Vietnam
Chuyên bán lẻ các loại các loại: 1. Thực phẩm: Rượu, bia, đường, sữa, bánh kẹo, các loại đồ ăn uống... 2. Hóa mỹ phẩm: Xà phòng, dầu xả, dầu gội, sữa tắm, kem đánh răng, khăn mặt... 3. Mỹ phẩm Cao cấp: Nước hoa, chăm sóc tóc, chăm sóc da, chăm sóc mắt, môi...

3/9/11

TẾT TRUNG THU MỞ LÒNG ĐÓN TÌNH THÂN

Tết Trung Thu là cái Tết lớn thứ hai trong năm, chỉ sau Tết Nguyên Đán. Theo Âm lịch, Trung Thu là ngày rằm tháng tám, thời điểm mặt trăng to và sáng nhất nhìn từ trái đất. Đây cũng là lúc thời tiết mát mẻ thuận hòa, mùa màng chờ thu hoạch, con người thư thái rảnh rỗi. Đối với những quốc gia có nền văn minh lúa nước, mặt trăng tượng trưng cho hòa bình,
ấm no, vì vậy Tết Trung Thu mang một ý nghĩa đặc biệt thân thiết đối với mọi người. Không chỉ Việt Nam, Trung Quốc
mà các nước Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đều ăn Tết Trung Thu với những tập tục nhằm tôn vinh giá trị truyền thống và
các sản vật do thiên nhiên ban tặng.
Không ai biết tập tục ăn Tết Trung Thu đã có từ bao đời, nhưng từ thuở ấu thơ ai cũng quen thuộc với tiếng trống múa lân rộn rã, gọi mọi người hòa mình vào lễ hội trăng rằm. Những bài hát “Thùng thình thùng thình trống rộn ràng ngoài đình…” hay “Chiếc đèn ông sao” gắn liền với Trung Thu là những giai điệu đầu đời mà mọi trẻ em Việt Nam đều thuộc nằm lòng.
Nói đến Trung Thu là phải nhắc tới bánh Trung Thu, đèn lồng và mâm cỗ. Bánh Trung Thu chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong năm, nhưng gói gọn trong mình các sản vật ngon lành nhất của nền nông nghiệp, đủ để mọi người mong nhớ đến tận năm sau. Bánh Trung Thu được coi là biểu tượng của phúc lành, đoàn tụ, là món quà ý nghĩa để trao tặng người thân và bạn bè. Kinh tế phát triển, thẩm mỹ của người dùng nâng cao nên bánh Trung Thu cũng ngày càng tinh tế và đẹp mắt để đáp ứng nhu cầu biếu tặng.
Tết Trung Thu Mở Lòng Đón Tình Thân
Đèn Trung Thu trước đây dùng cật tre phất làm khung, dán giấy bóng kiếng, có đèn ông sao, đèn ông sư, đèn thỏ ngọc, đèn thiềm thừ (hình con cóc), đặc biệt là đèn kéo quân chạy bằng sức nóng của đèn cầy bên trong. Ngày nay, các loại đèn truyền thống đang mai một dần, trẻ em chỉ còn thấy đèn ông sao, đèn lồng, và các loại đèn điện đủ màu sắc,
mang hình dáng các nhân vật hoạt hình đương thời.
Tại Việt Nam, truyền thống tốt đẹp của mùa Trung Thu là thể hiện sự quan tâm chăm sóc lẫn nhau một cách chân tình. Cha mẹ tùy theo khả năng của mình mà sắm quà bày cỗ Trung Thu cho con cái, thể hiện tình yêu thương một cách cụ thể để tình cảm gia đình thêm khăng khít. Đêm Trung Thu trẻ em thường tụ tập vui chơi, múa hát rồi phá cỗ. Cỗ Trung Thu
có bánh Trung Thu, trái cây theo mùa như bưởi, hồng ngâm, hồng trứng, chuối, cốm, na (mãng cầu), mía, kẹo bột và
các loại bánh kẹo khác. Người khéo tay còn lộn trái múi bưởi đắp thành hình con chó xù, lấy hai hột na đen làm mắt
thật sinh động. Đây là dịp để cha mẹ bày tỏ sự quan tâm đến con cái, còn trẻ em thì được nhận quà Trung Thu và có dịp vui chơi cùng chúng bạn.
Trung Thu không chỉ dành cho người lớn hay trẻ nhỏ. Ai cũng tìm thấy cho mình những niềm vui thuần hậu trong dịp
đất trời rộng mở, lòng người giao hòa. Vào dịp này, người lớn thường mua quà tặng cha mẹ, người thân và bạn bè
những món quà thân tình như bánh Trung Thu, trà, rượu để tỏ lòng biết ơn và sự quan tâm lẫn nhau.
Tết Trung Thu là một nét đẹp văn hóa của người Việt, đưa mọi người đến gần nhau và gần gũi với thiên nhiên hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tổng số lượt xem trang