Xã hội thay đổi, phụ nữ cũng thay đổi Có thể nói đó là lời khen khi ta nhìn lại cách đây khoảng nửa thế kỷ. Người phụ nữ Việt Nam thời ấy bước lên xe hoa là hoá thành một kẻ khác. Ở bên Tây, chị em chỉ bị mất họ thôi, còn ở ta thì mất cả tên. Mất họ nghĩa là lấy họ theo dòng họ nhà chồng. Còn mất tên là được dùng chung tên chồng. Thí dụ: Cô Lúa lấy anh Ngô thì được gọi là chị Ngô, bà Ngô, dấu hiệu cho thiên hạ biết cô là vật sở hữu của anh Ngô rồi. Cả làng nhà chồng chả bao giờ biết cô Lúa là ai cả. Đó như cái "đòn phủ đầu" để các ông chồng "dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về", cũng là một biểu hiện cho thấy sự lệ thuộc vào đàn ông ở người phụ nữ nước ta ghê gớm thế nào. Tất cả cuộc sống của họ minh hoạ cho điều này. Vừa như "cái máy đẻ", họ còn phải lo nhà cửa bếp núc. Việc đồng áng cũng nặng nhọc không khác mấy của đàn ông. Khi cha mẹ chết phải gào khóc rõ to ... để chứng tỏ đạo hiếu, không thiên hạ chê cười. Giỗ chạp, phụ nữ chỉ được ăn dưới bếp. Khá hơn tí thì ngồi nhà trên, nhưng cũng chỉ "chiếu dưới" thôi. Còn cảnh thê thiếp là thường. Họ phải chấp nhận làm vợ lẽ hoặc chồng lấy thêm vợ hai, vợ ba ... Thế rồi cách mạng, đất nước độc lập, chế độ xã hội chủ nghĩa đến. Xã hội thay đổi một, chị em đổi đời mười. Các hủ tục trên biến đi rất nhanh, cùng với, tiếc thay, nhiều phong tục tập quá đẹp đẽ khác. Cải cách ruộng đất, phụ nữ được chia ruộng, đi đấu tố địa chủ cường hào, chuyện cả 4.000 năm lịch sử chưa bao giờ có. Kế đến là vào hợp tác xã, họp hành... họ được tham gia ngang với cánh mày râu. Lại còn nhiều đoàn thể, nhất là hội phụ nữ, bảo vệ quyền bình đẳng cho chị em đối với đàn ông. Những thay đổi đó đã nâng cánh phụ nữ, cho họ cảm giác mạnh mẽ, tự tin. Cách mạng tháng Tám là bước chân thứ nhất giúp phụ nữ tiến lên sánh ngang nam giới, người đã áp đặt lên họ nhiều bất hạnh, tủi hờn dưới thời phong kiến. Cuộc "cách mạng" thứ hai góp phần giúp phái yếu đặt nốt bàn chân còn lại lên đỉnh cao sức mạnh là vật chất. Điều này đạt được khi nền kinh tế thị trường xuất hiện. Khi vật chất chứng tỏ sức mạnh Không còn cảnh "cá mè một lứa" với những anh chàng bất tài, lười nhác nhưng vẫn được hưởng lương đều nhau như thời bao cấp nữa. Giờ phái nữ có thể là chủ, thuê mướn hàng nghìn kẻ "mạnh". Hai chục năm qua, khi kinh tế tư nhân xuất hiện, thu nhập của mọi người bắt đầu do thị trường quyết định. Không còn kiểu nhà nước áp đặt, phân phối qua tem phiếu, bán rẻ nhưng không có mà mua. Nữ giới giờ được ăn học, có nhiều quyền hành ngang đàn ông. Một số chị em còn biết tận dụng "cái ưu ái với phái đẹp", "cái ưu tiên cho phái yếu", giúp khả năng làm kinh tế của họ vượt trội hẳn so với nhiều ông. Đến như ở nông thôn, nghề làm lúa cũng giảm dần, nhường chỗ cho nghề phụ, chăn nuôi, hoa màu... là những việc phụ nữ có thế mạnh (ít đòi hỏi sức vóc, cần tính bền bỉ, khéo léo). Những người lên thành phố làm công nhân cũng vậy. Đâu còn cảnh quai búa, thổi bễ như xưa. Công việc giờ đây tinh xảo, cần sự mềm mại, uyển chuyển, đo chính ... Thế là những anh nào thuộc diện vai u thịt bắp chỉ có nước "xách dép" cho họ thôi Trong khi đó, những thay đổi về tinh thần của các chị vẫn mạnh thêm, thực hơn, thiên về phát triển cá nhân, bớt dựa dẫm vào tập thể như trước. Thế nhưng, ôi thôi, cái gì cũng có hai mặt của nó cả. Vậy đâu là mặt trái của tấm huy chương? Sự mâu thuẫn trong cuộc sống Sự bình đẳng giới đã đem lại vị trí cao hơn cho phụ nữ trong thời đại hiện nay, nhưng cũng mang lại cho họ nhiều bất lợi. Khi nữ quyền được đề cao, cuộc sống của phụ nữ trở nên có nhiều mâu thuẫn. Mâu thuẫn thứ nhất nằm ngay trong bản thân mỗi người. Một mặt, họ được (và phải) tỏ rõ là người "phụ nữ mới", độc lập sống, suy nghĩ ... Mặt khác, họ lại cảm thấy những thiên chức, bản tính phụ nữ trong họ mất đi nhiều, tỉ lệ nghịch với "sức mạnh" của mình. Họ thấy cuộc sống quá căng thẳng, lúc nào cũng phải lên gân. Người xưa dạy "lạt mềm buộc chặt", thật là hợp với cái "vai" của phụ nữ thời nay, nhưng lại không dễ áp dụng chút nào. Nhiều người cũng muốn "buộc chặt", nhưng dây lại cứng quá, không biết làm thế nào cho mềm, vậy là sinh đứt gãy, đổ vỡ. Lại có người bẩm sinh rất có bản lĩnh, tài năng, thêm "thiên thời, địa lợi ...", nên thành đạt. Thế nhưng, họ lại bị thiệt thòi, chỉ được đàn ông "kính" thôi chứ không dám ... yêu (các anh chạm tự ái). Mặc dù phụ nữ cố phát triển những nét nữ tính khác như cười tươi, ăn nói nhỏ nhẹ, nhưng khổ nỗi người ta cứ lấy... tiền làm thước đo mọi thứ. Thế là khó! Thứ hai là mâu thuẫn với lực lượng đang bị mất dần quyền lực: cánh mày râu. Các vị này từ chỗ thấy mình có vẻ bị xem thường, nên phát sinh vô vàn phương cách, cả có ý thức lẫn vô thức để níu kéo, giành lại nam quyền. Nhẹ thì đá thúng đụng nia, "chiến tranh lạnh", nặng thì "giận mất khôn", rồi "thượng cẳng chân hạ cẳng tay". Cao trào là khi các vị bí mật đi tìm những người đàn bà đích thực của mình mà họ cho là có nữ tính, biết "trọng nhân tài" hơn. Thế là phái mạnh càng yếu đi và thêm cái tai tiếng trăng hoa, vũ phu (muốn chứng tỏ mình mạnh về ... chân tay, chứ không phải cái đầu. Lý do ly hôn vì bạo hành cũng chiếm đến 1/3). Mặt trái của sự ... vùng lên Như đã nói ở trên, cái gì dù hay, dở, cũng có mặt trái. Nếu không nhìn trước ngó sau, lúc nào cũng phơi phới "niềm tin chiến thắng", ta rất dễ loá mắt mà vấp ngã. Chính vì thế, khi phái yếu có vẻ mạnh quá, xã hội cũng than thở về nhiều nỗi khổ. Trước hết là khổ cho chính phụ nữ. Như người "cưỡi lưng hổ", họ được đánh giá không thua kém gì đàn ông, được cho nhiều quyền hành quá mạnh (so với xưa), đương nhiên họ phải chứng tỏ cái gì đó, nếu không sẽ thành kẻ ..."lạc hậu". Khốn nỗi, phái nữ muốn thay đổi cũng đâu thể nhanh được. Thói quen ăn vào máu hàng nghìn năm rồi, giờ mới đổi mới vài chục năm, phải từ từ chứ. Vừa làm việc xã hội, phụ nữ vẫn phải sinh con, cho bú mớm. Khổ nhất là cái khổ hàng tháng của đàn bà. Như thế làm sao họ rảnh tay để tranh giành lợi, quyền với các ông lộc ngộc, chả phải lo mấy cái nhiệm vụ này? (Các khoa học gia loay hoay mãi vẫn chưa nghĩ ra cách san bớt mấy cái khổ ải kia cho cánh đàn ông). Vậy là gay! Hậu quả là có khi chẳng việc nào chị em làm được đến nơi đến chốn. Có người đã trên "lưng hổ" rồi thì cứ ngậm tăm không dám kêu ca, làm cho người chưa được "cưỡi" vừa tủi vừa ... ham. Với phái mạnh, cái khổ là ở chỗ xưa nay các vị quen xem phụ nữ thuộc diện sở hữu của mình rồi, giờ thoắt cái thấy họ lên trên, không còn trong vòng tay. Mất đi kẻ sai khiến, mà đôi khi các vị cần được vỗ về, săn sóc ... cũng khó quá. Thật khó chịu! Dần dà, nhiều anh sinh ra tự tin, nghĩ mình kém cỏi. Ngược lại, có người phản ứng, đòi trở lại "thể chế" cũ. Nhiều anh lại lúng ... túng làm liều, kiếm tiền bất chấp nguy hiểm để thể hiện "bản lĩnh đàn ông". Thế là đời vào ngõ cụt thêm! Trong một số gia đình thành thị, có những anh chồng tuy kiếm tiền kém, nhưng chữ nghĩa lại khá, (một yếu tố vô cùng quan trọng dài lâu cho xã hội và gia đình), nên bị vợ xem là vô tích sự. Phải chăng vì chữ nghĩa thời nay bị xem rẻ, chưa kể nó còn phải chịu thêm đủ thứ bầm giập của bao cuộc bể dâu? Nhiều chữ mà ít tiền, quyền, mấy ai tin vào lời anh nói? Từ đó, những điều anh ta dạy con trẻ cũng "mất thiêng" đi, "trụ cột" lung lay, con cái hư hỏng, trật tự gia đình rối tung cả. Có một điều đáng lo hơn: Khi người đang "mạnh" lên và kể "yếu" đi bị cuốn vào cuộc ganh đua, người già và con trẻ dễ bị bỏ rơi. Người già khó thích ứng kịp với cảnh ngày càng cô độc và ít được tôn trọng (con dâu "phê bình" bố chồng chẳng hạn). Con trẻ dễ bơ vơ, bị phó mặc cho những môi trường thậm chí mong manh hơn gia đình: nhà trường, xã hội. Một khi tổ ấm tan vỡ, đây mới là những người phải gánh chịu hậu quả nặng nề, mà sức chịu đựng của họ lại rất kém. Hình như cái "cán cân quyền lực" giữa nam và nữ đang thay đổi rất nhanh trong thế giới này, tựa câu nói "Âm thịnh dương suy". Cái thay đổi đó có vẻ đi liền với xã hội công nghiệp và tiêu thụ. Thiên chức của phụ nữ sẽ chuyển đổi? Nước ta chưa có cuộc điều tra xã hội học, nhưng ở Mỹ đã tính được hiện có trên 50% phụ nữ ở tuổi lập gia đình đang sống độc thân (gồm người chưa có và đã có gia đình nhưng tan vỡ). Đương nhiên số đàn ông độc thân, dù không lớn bằng, cũng rất cao. Có thể nhìn thấy một thế giới đang giảm đi rất nhanh các gia đình theo đúng nghĩa truyền thống, có vợ chồng, con cái đầy đủ. Một trong các nguyên nhân là do một số phụ nữ thích hoặc buộc phải sống độc lập. Trong khi đó, trước yêu cầu bước ra xã hội của phụ nữ, nam giới phải cố quen dần việc bỏ đi tâm lý cố hữu rằng mình là trụ cột gia đình. Phải chăng những thiên chức của phụ nữ rồi sẽ được chuyển dần sang cho đàn ông, máy móc và dịch vụ? Phụ nữ sẽ rảnh tay để thể hiện sức mạnh từ cái tưởng là yếu của mình? Hay xã hội sẽ trở lại thời kỳ dần dần có nhiều hơn những gia đình đầy đủ vợ chồng, con cái, có điều ở đó, người vợ mới là trụ cột của gia đình? Bức tranh này e sẽ là bước chuyển tiếp dữ dội, với hệ quả gia đình, hạt nhân chính của xã hội, chỉ trong một, hai trăm năm thôi đã khác hẳn với nó suốt hàng nghìn năm trước. Nơi ấy, người phụ nữ không còn lệ thuộc vào phái nam, được song hành với nam giới trên khắp các phương diện kinh tế, chính trị, xã hội. Tuy nhiên, dù thành đạt đến đâu, người phụ nữ của hôm nay đừng quên dành thời gian cho nghĩa vụ cao quý nhất: gia đình. Phụ nữ đang được giải phóng mạnh mẽ chưa từng có, trong cả hai mô hình xã hội: cộng sản và tư bản (khác hẳn xã hội phong kiến). Chuyện mạnh, yếu ở đây không dễ đo đếm. Nhiều khía cạnh sâu xa thuộc lĩnh vực tâm sinh lý, xã hội, đòi hỏi các nhà khoa học phải có các công trình nghiên cứu công phu và mạnh dạn trao đổi. Lời khen, tiếng than rằng "phái yếu mạnh quá!" chỉ như chuyện "trà dư tửu hậu" cho cuộc sống, để đừng quá vui rồi quên người khốn khó, chớ vội buồn mà không chịu ráng sức mình! |